Ca từ “sốc, sex” không còn là vùng cấm?
Có một dạo, báo chí không khỏi giật mình về những ca từ ướt át, thiểu não trong các ca khúc thị trường thì nay, điều đó gần như không đáng kể gì so với các ca khúc “sốc, sex” đang rất phổ biến trong thế giới Underground (dòng nhạc ngầm) của giới trẻ.Sự tự do trong việc sử dụng những ngôn ngữ bình thường của đường phố, thậm chí là tầm thường đã được một bộ phận người sáng tác khai thác triệt để. Dường như với họ, những ca từ phản cảm không còn là vùng cấm nữa.
Với hai phiên bản “Phiếu bé ngoan” của Mr.A, người nghe không khỏi sốc trước các từ ngữ được tác giả đưa vào: “Em có muốn được lên mây”; “Em không phải gái một con, thế mà mắt anh lại mòn. Cho nên em ơi cứ để tàu hỏa nó chạy lon ton…” Ngoài ra còn có những từ ngữ tục tĩu hơn rất nhiều mà chúng tôi không thể trích dẫn, vẫn được người hát sử dụng một cách vô tư.
Tuy nhiên, đây không phải là bản thu phản cảm duy nhất được lưu hành công khai trên mạng. Những bản thu của một ca sĩ trẻ tên Karik đang rất thịnh hành với người yêu rap cũng chứa đựng những ngôn từ khiến người nghe giật mình. Tuy không đến mức dung tục như của Mr.A nhưng lời lẽ lại “nặng mùi” sự cực đoan, chửi rủa, thù hận: “Ước mơ của những loài thú như mày trong nay mai sẽ được toại nguyện/Tao biết nhiều người hận tao và họ không muốn tao tồn tại…”. Hay như một ca khúc khác còn đưa cả chuyện phê ma túy và được miêu tả khá tỉ mỉ. Mỗi bài có tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn lượt nghe, nhưng thật ngạc nhiên là nó vẫn tồn tại mà không bị sự kiểm duyệt hay phát hiện của người quản lý các website này.
Khó quản lý
Hiện nay, thời đại công nghệ số đang “mở đường” cho việc phát triển những ca khúc phản cảm như trên trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trên các website nghe nhạc, chỉ cần có tài khoản trên web thì bất cứ ai cũng có thể đăng tải bài hát lên. Chính vì vậy, việc kiểm duyệt về nội dung của bài hát trước khi phát hành là không thể. Kẽ hở này đã được các “ca sĩ ngầm” tận dụng triệt để và ít hay nhiều, họ đã đạt được mục đích của mình là được nhiều người biết đến. Như Yanbi, người khá nổi tiếng của dòng nhạc Underground với ca khúc “Thu cuối”.
Từ sự nổi tiếng này, Yanbi còn chế lời ca khúc với nội dung khá tục tĩu được phát hành trên mạng, thậm chí là biểu diễn trước công chúng. Dù vậy, Yanbi vẫn được ví là từ “thế giới ngầm” bước ra ánh sáng khi được đạo diễn Ngô Quang Hải mời thủ vai thứ chính trong bộ phim “Hit; Hoàng tử và Lọ Lem”. Theo đó, các show diễn của ca sĩ này cũng được phổ cập nhiều hơn trong giới trẻ.
Dù dòng nhạc Underground phát tán trôi nổi trên các website âm nhạc đang khiến các nhà quản lý “đau đầu” nhưng nhu cầu của nó là có thật. Họ có sân chơi, có khán giả đông đảo và các show diễn được tổ chức khá bài bản. Thậm chí những “ngôi sao” Underground hiện nay có thể tự sáng tác, tự sản xuất, phối khí, trình diễn và sản xuất MV ở trình độ chuyên nghiệp, hơn hẳn rất nhiều những ca sĩ được đào tạo tử tế. Họ cũng không quá phụ thuộc vào việc ra album để được công chúng biết đến mà vẫn có thể sống tốt nhờ vào việc phổ biến trên mạng. Vậy nhưng, cách thức để quản lý bộ phận này dường như đang nằm ngoài tầm với của cơ quan chức năng.
Trong phạm vi chức năng là đơn vị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có những phản ứng kịp thời để chấn chỉnh sự lộn xộn trong việc phát hành các bài hát phản cảm này. Theo đó, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi cho một số website âm nhạc trong nước đề nghị kiểm tra, gỡ bỏ ngay các bài hát có nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục như báo chí nêu.
Thanh tra Bộ VHTT&DL, ông Vũ Xuân Thành cũng có văn bản gửi tới Cục Phát thanh truyền hình, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý. Về phía ca sĩ, ông Thành cho biết, sau khi có thông tin xác minh chính thức, Thanh tra Bộ VHTT&DL sẽ gửi văn bản đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn theo dõi để có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Hiện nay, một số website đã rút các bài hát của Mr.A ra khỏi hệ thống.
Ông Phan Đình Tân- Người phát ngôn Bộ VHTT&DL: Đây là sự lệch lạc về văn hóa
“Với một người có nhận thức bình thường khi nghe những ca từ như thế này thì cũng không ai có thể chấp nhận được. Tôi từng sống ở phương Tây nhưng chẳng có nơi nào mà những thứ dung tục như thế lại được xem là bình thường cả. Tất nhiên, cơ quan chức năng của Bộ sẽ vào cuộc để chấn chỉnh, nhưng theo tôi, sẽ là chưa đủ nếu chúng ta chỉ xử lý hiện tượng này ở góc độ hành chính. Trong khi vấn đề đáng nói lại là sự đáng báo động về nhân cách đạo đức, nhận thức, là lối sống của giới trẻ. Điều này báo động nhiều rồi. Nhưng chúng ta chỉ nói đến trách nhiệm của ngành văn hóa mà quên đi vai trò rất quan trọng của gia đình và giáo dục.
Đây cũng là lúc chúng ta cần nhìn lại xem gia đình đã chuẩn chưa? Các ông bố, bà mẹ hãy là bố mẹ chuẩn mực, có văn hóa để giáo dục con cái. Còn với các nhóm nhạc, tôi nghĩ, thay vì gây sốc, hãy dùng trí tuệ, tài năng của mình để đóng góp cho xã hội”.
Nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi: Khi đưa ra công chúng thì phải có sự tử tế
Các bạn ấy đã quên mất một điều là văn hóa Việt Nam khác xa với người Mỹ, cho nên lấy cái của họ để lắp vào cái của mình là một sự khập khiễng. Ngôn ngữ âm nhạc của người Việt trọng sự tinh tế, có chiều sâu, nếu người sáng tác không tôn trọng điều đó, muốn phá vỡ nó bằng thứ ngôn ngữ khác biệt thì chắc chắn sẽ khó mà được chấp nhận.
Nếu lấy lý lẽ đó là dòng nhạc Underground, là dòng nhạc ngầm nên được thỏa sức. Tôi không quan tâm nó là under hay over, khi nó đã được đưa ra trước công chúng thì phải có sự tử tế, có trách nhiệm với đời sống văn hóa của người nghe. Một khi anh đã không tôn trọng văn hóa của mình thì chắc chắn người nghe cũng không thể tiếp nạp. Với những sản phẩm này cũng không cần thiết phải để ý đến”.
Ca sĩ Nathan Lee: Chắc chắn sẽ không sống lâu
Mỗi người có cách thức riêng để tìm đến khán giả, nhưng chỉ có khán giả mới là người quyết định và lựa chọn. Đây là xu thế tất yếu của một xã hội hiện đại và công nghệ phát triển, dẫn đến có nhiều cách để nổi tiếng và ai cũng có thể nổi tiếng. Quan trọng là nó có mang lại lợi ích gì cho công chúng hay không để phân biệt giữa cái đích thực với cái tầm thường.
Tôi nghĩ, dù nó có phản cảm nhưng nó không phải là một hiện tượng phổ cập. Nó có thể nổi lên trong một thời gian ngắn nhưng chắc chắn sẽ không thể sống lâu, sống bền được. Trong trường hợp này rất khó đưa ra hình thức quản lý vì nếu cấm phát hành trên website nhạc thì họ phát tán trên Facebook, Youtube, iTunes… Khán giả chính là người tinh tế nhất giúp cho những thứ phi nghệ thuật bị đào thải".
Theo 24h.com.vn
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !